VẤN ĐỀ CHÍNH CỦA VIỆT NAM HIỆN
NAY:
LÀM SAO KHỎI Bị TÀU THÔN TÍNH?
Để đương đầu với nguy cơ đó,
phải thực hiện
Hoà Giải Tập Hợp Dân Tộc Và Sửa
đổi Văn hóa
Tôn
Thất Thiện
![]() |
GS Tôn Thất Thiện 1963. Hình lấy từ Wikipedia |
Phần I
1. Một sai lầm chiến lược vĩ đại
Trong hơn nửa thế kỷ nay, Dân tộc Việt
Nam đã trải qua bao nhiêu điêu đứng thay
vì được hưởng một đời sống hạnh phúc – an bình, vui tươi, tự do, sung túc --, mà
họ ước mong. Căn do của tình trạng này là
các nhà lãnh đạo Việt Nam đã lấy những quyết định chiến lược sai lầm về địa
lý chính trị trong những năm sau khi Thế Giới Chiến thứ Hai (TGC-II) kết thúc.
Thời cơ hồi đó dã đặt quyền hành vào
tay Ông Hồ Chí Minh và Đảng Cọng Sản Việt Nam. Họ ở trong thế lấy những quyết
định chiến lược, nghĩa là những quyết định có tính cách nền tảng và định hướng dài
hạn cho Việt Nam.
Họ đã lấy những quyết định sai lầm tai hại vĩ đại. Những gì xảy ra cho Việt Nam từ
1945, và nhất là từ 1975, là bằng chúng không thể phản bác được của tính cách vĩ
đại của những sự sai lầm tai hại này.
Sai lầm tai hại nhất là sai lầm về nhận định nguy cơ lớn
nhất đe dọa sự tồn tại của Dân tộc Việt Nam. Ông Hồ và đồ đệ của ông không
thấy, hay không chịu chấp nhận, những điều mà
khoa học xã hội học coi như quy
luật chi phối các sinh vật: ưu tư số một của mọi sinh vật là sinh tồn; ưu tư
sinh tồn này khiến các sinh vật phải tranh dành nhau; trong sự tranh dành này,
mọi sinh vật đều tìm cách bành trướng, lấn áp, tiêu diệt nhau, và mạnh được yếu
thua. Quốc gia cũng là một sinh vật, và cũng bị các quy luật trên đây chi phối.
Trung Quốc là một quốc gia lớn, tất nhiên bị thôi thúc bành trướng mạnh hơn các
quốc gia khác.
Một cuộc phân tách sơ lược về địa lý chính trị cho thấy
ngay là nạn nhân đầu tuyến của sự bành trướng của Trung Quốc là Việt Nam, một
quốc gia nhỏ bé so với Trung Quốc khổng lồ, mà lại nằm sát ngay Trung Quốc. Sự kiện
này đã được minh chứng qua hai ngàn năm lịch sử. Và ngày nay, tấn tuồng bành trướng
lại đang được tái diễn ngay dưới mắt chúng ta.
Nguy cơ bị
Trung Quốc thôn tính rất rõ ràng, qua các vụ xâm chiếm các đảo Trường Sa, Hoàng Sa, lãnh thổ
và hải phận Việt Nam, xâm nhập Cao nguyên, cách đối xử bất chấp luật pháp và đạo
lý với ngư dân Việt Nam, cùng những bình luận trên báo chí Trung Quốc bàn về chiến
lược chiến thuật xâm chiếm Việt Nam, và quy chế dành cho một Việt Nam sáp nhập
vào Trung Quốc -- tỉnh, hay vùng tự trị
…--.
Một yếu tố điạ lý chính trị quan trọng
thứ hai đặt Việt Nam vào hàng đầu trong danh sách các vùng Trung Quốc cần xâm
chiếm hiện nay, là Trung Quốc có tham vọng trở thành một đại cường quốc không
những ở Á đông, mà trên toàn thế giới. Trong mấy năm qua, Trung Quốc đang tìm cách
mở rộng thế lực ở Châu Phi, Nam
Mỹ, và tăng cường Không quân và nhất là Hải quân. Còn lâu Trung Quốc mới bắt kịp Hoa Kỳ về hai ngành này. Tuy nhiên, Trung
Quốc cần liên lạc được với Châu Phi qua Ấn
Độ Dương. Điều này buộc Trung Quốc phải có căn cứ ở bờ biển Ấn Độ Dương, đặc biệt
là Singapore-Ma Lai A .Di chuyển bằng đường
biển từ Hải Nam xuống Singapore-Ma Lai A dễ bị Hải quân Mỹ cản trở. Cho nên
Trung Quốc bắt buộc phải làm như Nhật Bản trong thời TGC-II : dùng đường bộ dọc
Việt Nam để di chuyển xuống
miền Nam.
Nghĩa là Trung Quốc phải chiếm Việt Nam….Hay là chi phối được Miền Nam một cách êm thấm.
Trong trường hợp thứ nhất, tất nhiên sẽ có sự đụng độ với Việt Nam,
vì dân Việt Nam
sẽ chống đối. Chống đối dược hay không và thế nào? Điểm này sẽ được bàn ở đoạn dưới.
2. Hồ
Chí Minh và Trung Quốc
Trong trường hợp thứ hai, Trung Quốc sẽ không gặp trở
ngại gì cả, vì sự lựa chọn của Ông Hồ và ĐCSVN là một sự dọn đường cho Trung Quốc
thôn tính Việt Nam, nhân danh “anh em” trong “gia đình xã hội chủ nghĩa” và thành
phần của Đệ Tam Quốc Tế. Trong sự mà chúng ta có thể gọi là “hiến Việt Nam cho
Trung Quốc”, Ông Hồ có một vai trò đặc biệt, và công lao của Ông đối với Trung Quốc rất lớn, qua sự gắn
bó của Ông với Đệ Tam Quốc Tế (ĐTQT).
Trong các giới cọng sản Ông Hồ đã được công nhận là “con người cách mạng chính cống”,
“cán bộ đặc hạn của Đệ Tam Quốc Tế” (Kominternshik). Và ông đã không ngớt hô hào cổ võ đồ đệ ông làm như ông.
Ngay cả trong Di Chúc của ông, ông cũng
không quên nhắc nhở đảng viên phải bám chặt vào Nga Sô, phải giữ gìn đoàn kết của
khối xã hội chủ nghĩa.
Trong các bài viết của ông, ông thường nhắc đi nhắc lại là tuy rằng ban đầu ông
đến với Lê-nin vì lòng yêu nước, nhưng dần dần hiểu thêm về chủ nghĩa Lê-nin thì
ông thành một người cọng sản thuần túy, và đã tin tưởng chủ nghĩa Lê-nin một cách
tuyệt đối. Ông cũng thường nhắc đi nhắc lại là chủ đích của ông là “cách mạng
thế giới”, Đảng Cọng Sản Việt Nam là một bộ phận của Đệ Tam Quốc Tế, và Việt Nam Xã Hội Chủ Nghĩa
là “tiền đồn” của khối xã hội chủ nghĩa ở Đông Nam Á, “em út”
của đại gia đình xã hội chủ nghĩa, coi Hoa Kỳ là “kẻ thù số một của nhân dân Việt
Nam”. Đệ Tam Quốc Tế là một tổ chức đòi hỏi kỷ luật sắt, “em” phải tuân lời
“anh”. Khi “anh cả,” Liên xô, không còn nữa, thì “anh hai”, Trung Cọng, kế vị. Dù
sao, “anh” bảo, là “em” phải nghe. Kỹ luật cọng sản là vậy. Khỏi cần tranh cãi gì lôi thôi.
Ở đây nên hỏi tại sao có nhiều người
không cọng sản, và ngay cả nhiều người chống cọng sản, lại theo Ông Hồ và ĐCSVN . Vấn đề này liên quan với vấn đề não trạng
của dân Việt trong những năm 1945-1954. Phần đông, nếu không nói là hầu hết, dân
Việt, đặc biệt là các lớp trung lưu và thượng lưu, đều chỉ chú tâm vào một mục
tiêu: Độc Lập. “Độc lập”, trong trí đại đa
số, không phải là chỉ chấm dứt chế độ bảo
hộ Pháp, mà là “đánh Tây”, “đuổi Tây” để trả thù bao nhiêu năm bị làm nhục. Điều
này làm cho họ hầu như mù quáng, không thấy gì khác. Ít ai nghĩ đến vấn đề: sau
độc lập rồi gì nữa? Cũng rất ít người biết rõ thực chất của cọng sản.
Hồi đó ,“ Độc lập” là một giá trị tiêu chuẩn tối thượng.
“Độc lâp” cũng là một tín hiệu tụ hội
dân chúng rất ăn khách, hữu hiệu 100%. Ai phất cờ độc lập là
dân chúng ùa theo. Mà, lúc đó, Cựu Hoàng Bảo Đại, thay vì dùng tín hiệu “Độc lập”
làm lá cờ để để tụ hội dân chúng quanh mình, lại giao nó cho Ông Hồ. Ai muốn
tranh đấu “đánh Tây”, “đuổi Tây”, thấy Việt Nam độc lập thì tụ hội quanh ông Hồ
và Việt Minh. Một khi đã dính với Việt Minh thì mắc kẹt luôn với nó, và dần dần,
bị mắc kẹt luôn với ĐCSVN và hậu quả của
đường lối “cách mạng” của nó: chiến tranh, đất nước bị chia cắt, dân chúng bị phân ly,
sinh lực của Dân tộc bị xử dụng vào công cuộc giết chóc chống phá nhau, tài sản
của đất nước bị tiêu hao phung phí , xứ sở lạc hậu, tham nhũng hoành hành, xã hội băng loạn…
Ở đây, tất nhiên các cán bộ đãng viên ĐCSVN, những giới
phản chiến ngoại quốc, và không ít người Việt chia sẽ quan điểm của giới này, sẽ
tức tối hỏi: “Thế là phủ nhận công lao vĩ đại của Bác và Đảng đã sáng suốt lãnh
đạo các cuộc chiến tranh thần thánh chống Pháp, chống Mỹ giải phóng nhân dân Việt
Nam sao? Và cũng phủ nhận rằng chiến thắng đã đạt được một phần không nhỏ nhờ có sự ủng hộ,
yểm trợ to lớn của Trung Quốc? Làm sao có thể phủ nhận rằng nhân dân Việt Nam
mang ơn rất nặng với Bác, Đảng và Trung
Quốc? ”.
Trong một thời gian dài, lối lý luận trên đây rất khó
phản bác, vì tình hình Việt Nam và quốc tế thuận lợi cho phe phản chiến, và người phản bác ở vào thế yếu của phe bại trận. Nhưng ngày nay, sự thực đã rỏ, và không chối
cải được. Đó là Trung Quốc đã dùng Việt Nam
để quét sạch những lực lượng đe dọa
miền Nam Trung Quôc, thường được gọi là “the soft belly of China” (cái bụng
mềm của Trung Quốc/ yếu điểm của Trung Quốc về quốc phòng). Trung Quốc đã tán thành,
khuyến khích Ông Hồ và ĐCSVN đi sâu vào con đường chiến tranh, làm cho hàng
triệu người Việt bị hy sinh, đất nước Việt Nam bị tàn phá, sinh lực Việt Nam bị tiêu
hao, để quét các lực lượng ngoại lai và dọn sạch Việt Nam thay cho Trung Quốc, rốt cuộc tạo điều
kiện cho Trung Quốc ung dung vào chiếm, không bị ai cản trở…!!. Chính Hà
Nội đã tố cáo Trung Quốc trong Bạch Thư công bố năm 1979, vào dịp tranh chấp Việt-Trung về Kampuchea, rằng
Trung Quốc muốn “đánh Mỹ đến người Việt cuối cùng”(“fight America to the last
Vietnamese”).
Tình trạng trình bày trên đây là tình trạng chính trị
và tâm lý căn bản chi phối tình hình Việt Nam suốt mấy thập niên qua. Nó là căn
do của những gì đã xảy ra trong thời gian gần đây, và của nguy cơ mà nhân dân
Việt Nam phải đương đầu hiện nay: nguy cơ bị Tàu thôn tính, dân chủ hoá trì trệ vì đất nuớc bị lệ thuộc Trung Quốc nặng
nề sâu đậm, nhất là về văn hóa, đang bị biến thành một “tiểu Trung Quốc”.
Chắc rằng, trong thời gian qua, ngoài và trong nước, có
người tự an ủi với ý nghĩ: “Tình trạng không lẽ vô phương cứu chữa. Có thể nào
như thế được? Ai biết ít nhiều lịch sử
Việt Nam đều biết rằng, trong quá khứ, dân Việt Nam đã mấy lần vùng dậy anh dũng
chiến đấu và giải toả được đất nước khỏi nạn xâm lăng từ Phương Bắc; vậy tình hình có
tuyệt vọng đâu?” Đúng! Với điều kiện là
chúng ta thực hiện được hai nhiệm tác:
1 – Thành thực Hoà
giải và Tập hợp Dân tộc,
2 – Không do dự
chấp nhận một số sửa đổi cần thiết về Văn hoá..
3.
Hoà giải Hoà hợp Dân Tộc
Trong tình trạng hiện tại, và căn cứ trên kinh nghiệm
của những thập niên qua, phải công nhận rằng cả hai điều trên đây rất khó thực
hiện. Khó không phải là không thể làm được, và không cố gắng làm. Tuy nhiên, chúng
ta cần phải gặp may lắm…
Thế nào là “thành thực Hoà giải Dân tộc”?
Nhiều người trong giới tỵ nạn ở Mỹ hay nơi khác phản ứng rất mạnh khi
nghe nói đến “hoà giải”. Điều này cũng dễ hiểu: đối với họ, “Hoà giải Dân tộc”
chỉ là một mánh khoé cọng sản, và chấp nhận “Hoà giải” là mắc mưu cọng sản. Điều
này đúng, nhưng chỉ đúng trong bối cảnh
của những năm 1970. Ngày nay, tình hình đã
khác nhiều. “Hoà giải Dân tộc” ngày nay bao gồm toàn
thể Dân tộc Việt Nam,
ở ngoài và trong nước, thuộc mọi thành phần, mọi phe phái. Ngày nay, nói đến Hoà giải Dân Tộc là nói đến
hoà giải trước là trong nội bộ, giữa những thành phần thuộc mỗi phía Quốc gia và
Cọng sản, và, sau đó, giữa hai phía – “Quốc” và “Cọng” -- . Đây là điều kiện tiên
quyết để Tập hợp Dân tộc thành một khối
rộng lớn, vững chắc, và hùng mạnh để ngăn chận ý đồ thôn tính Việt Nam của
Trung Quốc. Trong quá khứ, dưới các Triều Lý, Trần, Lê, Việt Nam, tuy nhỏ bé,
nhưng đã đẩy lui được quân xâm lăng Trung Quốc lớn hơn
gấp bội nhờ có một sự Tập hợp
Dân tộc thực sự: trong hàng ngũ lãnh đạo,
cũng như giữa lãnh đạo và dân, có một sự đồng thuận, nhất trí, quyết tâm chống
kẻ xâm lăng.
Về phía Quốc gia, mấy lâu nay, moi móc quá khứ để tố cáo,
mạ lỵ, chống đối nhau giữa các đoàn thể và các cá nhân tự nhận là tranh đấu cho
dân chủ là việc xảy ra hằng ngày. Nhưng, ngày nay, ai có chút thiện chí cũng phải
công nhận rằng ưu tiên trước mắt trong các hoạt động tranh đấu của tất cả cá nhân hay đoàn thể Việt Nam nay phải là: ngăn chận không cho Trung Quốc thôn tính
và diệt tiêu Việt Nam. Đây là ưu tiên tuyệt đối của mọi người dân Việt. Và việc này đòi hỏi
các cá nhân, các đoàn thể Việt Nam phải
chấm dứt những loại hoạt động moi móc nói trên.
Về phía Cọng sản, ngày nay cũng có vấn đề phân ly,
chia rẽ, trong hàng ngũ của đảng cũng như trong hàng ngũ của những giới chống
chế độ. Sự kiện nỗi bật là càng ngày Đảng
càng bị dân chúng công khai chống đối, và chính quyền càng bị cô lập. Trong tình trạng này, chính quyền Việt Nam không
có điều kiện để cưỡng lại áp lực, khước từ những đòi hỏi, lấn áp của Trung Quốc.
Chỉ có một chính quyền được sự tin cậy và ủng hộ mạnh của dân chúng mới làm cho Trung Quốc nương tay trong việc xâm lăng,
lấn áp Việt Nam, và nếu có một cuộc đụng độ giữa hai quốc gia, Việt Nam mới có
thể cầm cự được một thời gian và kêu gọi sự can thiệp của quốc tế. Đây là một điều
hết sức quan trọng, cần xét kỹ thêm, vì
nó liên quan đến vai trò hậu cần thiết yếu của Miền Nam trong một cuộc kháng chiến trường
kỳ.
Cuộc tranh chấp giữa Trung Quốc và Việt Nam có
thể kéo dài âm ỷ, nhưng cũng có thể một lúc nào đó
nó sẽ thành một sự đụng độ binh đao. Trong trường hợp thứ nhất tập đoàn lãnh đạo
ĐCSVN hiện tại không chịu nỗi chống đối của dân, và ớn mang tiếng “bán nước”,
triễn gân chống lại đòi hỏi của Đảng “bạn”, buộc Trung Quốc phải dùng đến binh
lực. Trong trường hợp này
tập đoàn lãnh đạo ĐCSVN đương nhiên bị đẩy vào thế thành một chính phủ “kháng
chiến”. Họ phải có một hậu cần. Và hậu cần
chắc chắn – an toàn, đầy đủ tiếp tế -- chỉ có thể là Miền Nam, vì Miền Bắc, gần
Trung Quốc, dễ bị chiếm và khó bảo vệ, khó kháng chiến trường kỳ.
Trong trường hợp thứ hai, một số cán bộ, quân nhân không
chịu nổi cảnh Việt Nam bị ức hiếp nhục mạ nữa, nỗi
lên đảo chính. Nếu thành công, họ lập lên
một chính phủ kháng chiến; nếu thất bại, họ rút vào bưng và lập chính phủ giải
phóng. Trong trường hợp này họ cũng cần một hậu cần vững chắc – an toàn và đầy đủ
tiếp tế --, và hậu cần này cũng chỉ có thể là Miền Nam, vì Miền Nam dễ bảo vệ và tiếp tế hơn, nhất là với vụ bốc xít,
Việt Nam sẽ bị cắt thành hai và từ Qui
Nhơn ra Bắc không thể tiếp tế được.
Về phần quân Tàu,
từ Đà Nẵng trở vào Nam, tiếp tế sẽ khó khăn vì đường, xa
và khí hậu không thích hợp cho họ. Tưởng ở đây cũng nên nhắc rằng Việt Nam chỉ
có thể áp dụng chiến tranh du kích với Trung Quốc, vì Hải Quân Việt Nam không thế nào
đương đầu với Hải Quân Trung Quốc được.
Những điều trên đây cho thấy rằng sự hiện hữu của Miền
Nam như là một hậu cần an toàn và vững chắc là một điều kiện thiết yếu để bảo đảm sự tồn tại
của Việt Nam, Nam lẫn Bắc. Và thất bại
hay thành công của kháng chiến tùy thuộc một vào sự yểm trợ của Miền Nam , và đặc biệt, sự sốt sắn
của dân Miền Nam đối với chính phủ kháng chiến.
Mong rằng điều trên đây sẽ được chính quyền Hà Nội và
những cán bộ cao cấp của ĐCSVN hiểu thấu để họ thay đổi đường lối, chính sách,
cách đối xử với dân Miền Nam, mở đường cho một sự Hoà giải và Tập hợp Dân tộc thực sự, tạo điều kiện bảo vệ sự tồn tại của Việt Nam trước nguy cơ bị Trung
Quốc xâm chiếm và tiêu diệt. Trong hiện tại, làm thế nào đạt được tình trạng nói
trên là công việc của những người trong nước, và đặc biệt, trong Đảng. Hy vọng rằng họ sẽ để Nước lên trên Đảng, và, bằng cách
này hay cách khác, thực hiện được những điều nêu trên. Quan niệm: “Đảng còn, chúng
ta còn” đúng, nhưng chỉ đúng có 2/3. Phải nghĩ rằng: ”Nước còn thì Đảng và chúng
ta mới còn” mới đúng hoàn toàn!!!
Chỉ sau khi cả hai phía đều đạt được
Hoà giải mới có thể bàn đến vấn đề Hoà giải ở cấp Dân tộc -- Hoà giải giữa tất cả các thành phần, phe phái, xu huớng
-- để đi đến một sự Tập hợp Dân tộc mạnh mẽ có đủ điều kiện để yểm trợ chính quyền Việt Nam chống lại áp lực hay xâm
lăng của Trung Quốc.Đây là nhiệm vụ của của các đoàn thể
tranh đấu mấy lâu nay. Mong rằng trong các giới này có những người lãnh đạo xứng danh - có đủ uy tín, khả năng, thấu
triệt vấn đề -- có thể thực hiện được
việc rất tế nhị, rất phức tạp này. Một Tập
hợp như vậy chỉ có thể thực hiện được nếu những điều kiện tối thiểu sau đây được
mọi người chấp nhận:
1/ Lợi ích của Nước Việt Nam phải được đặt trên lợi ích của
mọi đảng phái, mọi tổ chức;
2/ Không chấp nhận độc tài, độc đảng, độc tôn ;
3/ Thể chế phải xây trên nguyên tắc Phân quyền và Pháp
trị;
4/ Sinh hoạt chính trị phải theo nguyên tắc Dân chủ;
5/ Tự do tư tưởng, ngôn luận, hội họp phải được tuyệt đối
bảo đảm.
Cuộc tranh chấp giữa Việt Nam và Trung Quốc hiện nay có hai khía cạnh,
một khía cạnh nổi và một khía cạnh chìm.
Khía cạnh nổi là tranh chấp về lãnh thổ và hải phận. Nó là một vấn đề thời sự, dễ nhận chân và đối phó. Khía
cạnh chìm là khả năng tự tồn và phát triển của Việt Nam trong dài hạn trong viễn ảnh bị áp lực lệ thuộc hoá không ngừng từ Trung Quốc. Vấn đề này là một
vấn đề khó nhận chân, dài hạn, và phức tạp, khó đối phó. Nó liên quan đến vấn đề Việt Nam cần phát triển
thế nào để thành một quốc gia hiện đại hoá, thích hợp với văn minh thời đại, giàu
mạnh, dân chủ, có đủ sức tự vệ, độc lập về mọi mặt, đặc biệt là về văn hoá. Nó đòi hỏi một sự xét lại sâu rộng, hoàn toàn vô tư,
lâm thời đưa đến sự nhận ra được
những giá trị tiêu chuẩn và những tín hiệu tụ hội cần thiết, hay có hại,
cho việc hiện đại hoá. Nó
là vấn đề Sửa đổi
Văn hoá, đòi hỏi nhiều thì giờ và công
phu. Nó sẽ được bàn
đến trong một bài sau.
Ottawa,
Viết cho Diễn Đàn
Thế Kỷ 21,
Tháng 6, 2010
VẤN ĐỀ CHÍNH CỦA VIỆT NAM
HIỆN NAY:
LÀM SAO KHỎI Bị TÀU THÔN TÍNH?
Để đương đầu với nguy cơ đó,
phải thực hiện
Hoà Giải Tập Hợp Dân Tộc Và Sửa
đổi Văn hóa
Tôn Thất Thiện
(Tiếp
theo)
phần II
Trong bài trước (Diễn Đàn Thế Kỷ, số 1, tháng 7, 2010) , tôi có nói:
“Cuộc tranh chấp giữa Việt
Nam và Trung Quốc hiện nay có hai khía
cạnh, một khía cạnh nổi và một
khía cạnh chìm. Khía cạnh nổi là tranh chấp về lãnh thổ và hải phận. Nó là
một vấn đề thời sự, dễ nhận chân
và đối phó. Khía cạnh chìm là khả
năng tự tồn
và phát triển của Việt Nam
trong dài hạn trong viễn ảnh bị áp lực lệ thuộc
hoá không ngừng từ Trung Quốc. Vấn đề này là một vấn đề khó nhận chân, dài hạn,
và phức tạp, khó đối phó. Nó liên quan đến vấn đề Việt
Nam cần phát triển thế nào để thành một
quốc gia hiện đại hoá, thích hợp với văn minh thời đại, giàu mạnh, dân chủ, có
đủ sức tự vệ, độc lập về mọi mặt, đặc biệt là về văn hoá. Nó đòi hỏi một sự xét lại sâu rộng, hoàn toàn vô tư, lâm thời đưa đến sự nhận
ra được những giá trị tiêu chuẩn và những tín hiệu tụ hội cần thiết, hay có
hại, cho việc hiện đại hoá. Nó là
vấn đề
Sửa đổi Văn
hoá,….”
----------------------------------
1. Lệ thuộc văn hoá Trung Quốc
Sửa đổi văn hoá ít được đề cập đến vì
vấn đề này không gây xúc động mạnh trong dư luận như những vấn đề quân sự và
chính trị. Phần khác, sự lệ thuộc nặng nề của Việt Nam đối với Trung Hoa về văn
hoá cũng ít được để ý vì trong gần 200 năm nay nó bị nhu cầu giải quyết các vấn
đề cấp bách liên hệ với cuộc tranh đấu dành lại độc lập, chủ quyền quốc gia ,và
thống nhất lãnh thổ Việt Nam làm cho nó lu mờ đi. Nhưng ngày nay, chiến tranh đã chấm dứt, vấn đề độc lập thống nhất đã giải quyết, vấn đề
lớn trước mắt là vấn đề phát triển, mà văn
hoá, và đặc biệt là sửa đổi văn hoá, lại là một vấn đề liên hệ mật thiết đến phát
triển. Đồng
thời, những hành vi xâm lăng trắng trợn của các giới lãnh đạo Trung Quốc đối với
Việt Nam làm nỗi bật nguy cơ
cho Việt Nam
từ Trung Quốc và sự cần phát triển gấp để đối phó với nguy cơ này .Hai vấn đề này
có liên hệ mật thiết với nhau.
Nhìn ngược dòng lích sử, ta thấy Việt
Nam
là kết quả của một cuộc tranh đấu gắt gao và trường kỳ của Dân Tộc Nam Việt để
thoát khỏi ách đô hộ của Trung Quốc. Cuộc đô hộ này đã kéo dài 1000 năm cho đến
đời Tiền Lê. Ảnh hưởng của sự đô hộ dài
dẳng này rất sâu đậm về phương diện văn hoá không những trong thời gian đó, mà
cả trong mấy thế kỷ sau. Nó vẫn còn, ngay cả sau năm 1885, khi Trung Quốc bị Pháp ép ký hiệp định Thiên Tân từ nhượng quyền
can thiệp vào Việt Nam, sau khi hệ thống giáo dục thi cử dùng Hán văn bị bải bỏ
vào năm 1918, và ngay cả ngày nay, qua những kêu gọi “bảo tồn văn hoá Việt Nam”,
“duy trì những giá trị cổ truyền”, “bảo vệ thuần phong mỹ tục”, ngăn chận xâm
nhập của “văn hoá trụy lạc “ ngoại lai (nghĩa là của Tây Phương).
Sự lệ thuộc về văn hóa của Việt Nam đối với Trung Quốc đa dạng, rất
chặt chẽ và sâu đậm. Nhưng nó lại là một
sự lệ thuộc tự nguyện. Dân Tộc Việt Nam không những không có
mặc cảm bị ép buộc du nhập những giá trị của Trung Quốc, mà lại chính mình hăng
say thâu nhận và hấp thụ những giá trị đó
-- tư tưởng, tập quán, đạo lý, phương thức tổ chức xã hội chính trị …--
Sự kiện trên đây cũng dễ hiểu. Ở một
thời mà thế giới của người Á Đông chỉ gồm có Trung Quốc to lớn với một nên văn
minh rực rở, đứng giữa một số nước nhỏ và văn minh thua kém như Việt Nam, thì Trung
Quốc đương nhiên được coi như là quốc
gia đàn anh , trung tâm của vũ trụ -- Trung
Quốc --, vô địch về mọi mặt, và mô hình để bắt chuớc. Phần khác, hấp thụ
văn minh Trung Quốc giúp cho Việt Nam có điều kiện tự xây dựng một quốc gia có
quy củ, có văn hiến, có đủ sức không những để tự tồn, mà còn trở nên một quốc
gia hùng cường trong vùng Đông Nám Á.
Qua thời gian, tình trạng trên đây tạo
ra một tâm lý tự ty, coi phiên thuộc đối với Trung Quốc là một điều đương nhiên.
Về nội bộ thì
tuy các giá trị như “tôn ty trật tự” và “tam cương ngũ thường”, trọng sỹ khinh
thương, hướng về quá khứ, của Khổng Giáo đã mang lại cho xã hội Việt Nam một tình
trạng ổn định, nhưng cũng nhồi vào đầu não người Việt một tâm lý tùng phục kẻ cầm
quyền, chỉ nhìn sự vật dưới khía cạnh đạo lý, lơ là về những vấn đề vật lý, tạo
ra một tình trạng yếu kém, làm cho Việt Nam không có sức mạnh để tự vệ khi bi sự
uy hiếp của các quốc gia Tây Phương hùng
mạnh, vì , khác với các nước Tây Phương, Việt Nam không phải là sản phẩm của một nền văn minh dựa trên
khoa học kỹ thuật .
2.
Khổng, Pháp, Cọng
Trong một tình trạng như trên, nền văn hoá mà Việt Nam đã
hấp thụ của Trung Quốc không còn thích hợp nữa. Nhưng, rủi thay, vua, quan, sỹ
phu thời Tự Đức, và 2-3 thế hệ sau đó, đã không nhận ra được sự thật này, và vẫn
cố bám vào một mô hình văn hoá đã lỗi thời.
Đây là một mối rũi ro lớn .Dân Tộc Việt Nam mất đi một cơ hội hiện đại hoá
, và không có khả năng tránh sự đô hộ của
Pháp .
Sự đô hộ của Pháp có những khía cạnh xấu, nhưng, cũng như
mọi sự, nó cũng có những khía cạnh tốt. Là người bị đô hộ, người Việt dĩ nhiên thường
chú ý vào những khía cạnh xấu, và bỏ qua những khía cạnh tốt đi, tuy rằng thái độ
đó không có lợi cho chính mình.
Khuôn khổ bài này không cho phép bàn
chi tiết về những tích cực tiêu cực của thời bảo hộ Pháp. Ở đây chỉ cần ghi hai
điểm. Nó mâu tuẫn nhau, nhưng đều có hại cho Việt Nam.
Về phần Việt Nam, các sỹ phu chủ trương từ chối, gạt bỏ tất cả những gì người
Pháp làm vì nó là “của Tây”, và Tây là “rợ”…Thái độ này được coi là một thái độ “ái quốc”, “cách mạng” vì “chống Tây”, được dân chúng kính
phục. Họ không coi sự tiếp xúc với văn
minh Pháp là một cơ hội để thức tỉnh, và xét lại tận gốc những khuyết
điểm của văn hoá Việt Nam và
tìm cho Việt Nam
một con đường mới để có thể tiến lên. Vấn đề này có thể thâu tóm trong một từ ghép:“Tây
Phương Hoá”. Từ thông dụng ngày nay là
“Hiện Đại Hoá”. Vấn đề được phân tách rất đầy đủ trong tác phẩm Chính Đề Việt Nam . (xin xem Chú Giải ở cuối
bài) .Có thể nói là chủ trương này vẫn
được một số người Việt chống đối đến ngày nay, với những kêu gọi “bảo tồn văn
hoá Việt Nam”, “duy trì những giá trị cổ truyền”….
Về phía Pháp, họ đã tạo cho Việt Nam một cơ hội lớn để thoát khỏi lệ thuộc văn hoá Trung Quốc, và mở đường
cho Việt Nam tiếp xúc với văn minh Tây phương, nhưng đồng thời họ lại khuyến khích
người Việt duy trì chế độ văn hoá “cổ truyền”, nghĩa là Khổng Giáo. Nhưng chế độ
“Khổng Giáo” này lại là một thứ Khổng Giáo
hủ hoá và mất hết uy tín.
Khổng Giáo trị vì được gần 2000 năm một cách êm thấm, được
vua, quan cho đến người thường dân chấp nhận vì nó là một thứ Khổng Giáo chính
cống, trong đó mọi người làm đúng phận sự của mình:Vua ra vua – lo cho dân -- ,
quan ra quan -- trọng liêm sĩ --, và tuy nó đòi hỏi tôn ti trật tự, nó không phải
là một hệ thống xã hội “đóng”, mà là một hệ thống xã hội “mở”, trong đó công bằng
được thực sự tôn trọng -- ai cũng có quyền học, thi, và thi đỗ được làm
quan cả…Nhưng chế độ Khổng Giáo thời bảo hộ Pháp chỉ là một con sò có vỏ không
có ruột: vua không còn là vua nữa, nên
quan cũng không ra quan, và dân cũng không ra dân nữa: họ mất kính trọng và tin
tưởng, không còn gắn bó với chế độ nữa. Những
người đã lên án Khổng Giáo nặng nề và chủ trương dẹp bỏ hết nó đi đã không thấy
rằng thứ Khổng Giáo mà họ lên án và đòi dẹp bỏ hết đi là
Khổng Giáo thời bảo hộ Pháp, không phải Khổng Giáo chính cống. Có sự ngộ nhân này
vì không những nó đã không bị dẹp bỏ đí, mà lại được tái sinh và phát triển mạnh dưới chế độ cọng sản, với một danh
xưng mới -- chủ nghĩa Mác-Lê --. Còn chế độ cọng sản thì được coi như là một chế độ “Khổng Giáo cải
tiến lớn”.
Cọng sản đã thành công dễ dàng một
phần lớn vì nó đã được thứ Khổng Giáo hủ hoá của bảo hộ Pháp dọn đường cho nó.
Và nó đã phát huy những nết tật xấu xa nhứt của chế độ này để cai trị dân dưới danh nghĩa “cách mạng”.
Như mọi người đã biết, chế đô cọng sản là một thứ chế độ Khổng Giáo còn tồi tệ
hơn Khổng Giáo thời bảo hộ Pháp. Và cùng với thứ Khổng Giáo thuộc bảo hộ Pháp này,
những chính sách độc hại của thực dân Pháp, và những giáo điều phản đạo đức của
chủ nghĩa Lê-nin được ghép chung lại nhau và đẩy xã hội Việt Nam vào tình trạng
băng hoại, sa lầy, hầu như không lối thoát ngày nay. Tệ hơn hết, nó đã làm cho
xã hội phân rẽ, nát bấy, vô đạo, và chính quyền bị dân mất hết tin tưởng và bị cô
lập, không có khả năng bảo vệ lãnh thổ chủ quyền trước nguy cơ xâm lăng của
Trung Quốc. Hơn nữa, do sự lựa chọn con đường
cọng sản, ông Hồ và Đảng Cọng Sản Việt Nam đưa Việt Nam vào qũy đạo của Đệ Tam
Quốc Tế, với kỹ luật sắt của nó, và đặt
Việt Nam vào thế lệ thuộc Liên Xô, và sau khi Liên Xô tan rã, vào thế lệ thuộc
Trung Quốc. Trong tình trạng này, sự lệ thuộc Trung Quốc lại là một sự lệ thuộc
tự nguyện, êm thấm. Trung Quốc không cần phải dùng vũ lực xâm lăng Việt Nam. Họ
chỉ cần chỉ thị cho lãnh đạo ĐCSVN làm theo ý họ….!!! Thôn tính bằng ý thức hệ
-- nghĩa là văn hoá --xâm lấn thay vì xâm lăng. Và vì ĐCSVN khăng khăng cố bám
vào ý thức hệ - nghĩa là văn hoá - cọng
sản nên Dân Tộc Việt Nam lại bị đẩy trở lại vào tình trạng
lệ thuộc Trung Quốc!!! [Điều này được phân tách rất tường tận trong Chính Đề Việt Nam.
Xin xem phần Chú Giải, ở cuối bài].
3.
Giá trị tiêu chuẩn
Như đã nói rõ trong bài trước, muốn
ra khỏi tình trạng bị Trung Quốc xâm lấn và thôn tính ngày nay, phải thực hiện
Hoà Giải Tập Hợp Dân Tộc. Nhưng Hoà Giải và Tập Hợp Dân Tộc đòi hỏi phải có một
sự đồng thuận lớn trong cọng đồng quốc gia Việt Nam về những giá trị tiêu chuẩn
làm mẫu số chung cho cọng đồng. Giá trị tiêu chuẩn là những giá trị dùng làm tiêu
chuẩn để phán xét , lựa chọn, về người và
việc, trong đời sống hằng ngày. Nó là cốt lõi của vấn đề sửa đổi văn hoá.
Để biết cần phải đồng thuận về những
gì phải xét trong quá khứ Dân Tộc Việt Nam đã bị phân ly thế nào, về những gì,
trong ba giai đọạn của lịch sử Việt Nam: giai đoạn trước Triều Tự Đức, giai đoạn
Pháp bảo hộ, và giai đoạn cọng sản trị vì. Đây là một vấn đề rất lớn, không thể bàn hết trong
vài trang báo được. Nhưng chúng ta có thể tóm gọn những gì mà người Việt
thuộc đủ mọi giới, mọi thành phần, mọi tổ chức, mọi xu hướng, ngoài và trong nước,
cần ráng thực hiện để có thể để tạo một
tình trạng cho phép thực hiện một Tập Hợp Dân Tộc có đủ điều kiện để đối phó với
vần đề chính của Việt Nam: phát triển để tồn tại và tiến.
Việc cần làm trước tiên là trong những
giá trị đã được hấp thụ -- do ép buộc hay tự nguyện -- nhận ra những gì xấu và có hại cho sự tiến của
Dân Tộc, cần bỏ đi; những gì còn thích hợp
với hiện đại, khả thi, nên giữ lại; những gì hư hỏng cần loại bỏ hay sửa đổi; và
những gì mới, tốt, nên thâu nhận. Kế đến là vận động phổ biến những điều đó, làm
cho dân biết, và chấp nhận. Đây là một công việc đòi hỏi phải có người lãnh đạo
có tài lẫn đức lớn, có uy tín, được dân tin tưởng, thấu triệt các vấn đề, có khả năng tổ chức và điều khiển
một tổ chức lớn. Tổ chức này có nhiệm trách
nghĩ ra những tín hiệu thích hợp và hiệu
nghiệm trong viêc tụ hội quần chúng và thuyết phục họ chấp nhận những giá trị tiêu chuẩn mới.
Công việc trên đây là một công việc
to tát, chỉ có vĩ nhân mới làm được. Nhưng
ví dụ rằng vấn đề lãnh đạo và tổ chức được giải quyết ổn thỏa, vấn đề then chốt
vẫn là đưa ra một mô hình phát triển có thể tạo
được sự đồng thuận rộng rãi trong nhân dân.
Vấn đề đã được tranh luận nhiều
trong 35 năm qua trong các giới Việt Nam ở
ngoại quốc. Gần đây lại có một số đảng
viên cọng sản tham dự vào cuộc tranh luận này. Các giải pháp đưa ra rất nhiều.
Nhưng, chung quy, có một sự trùng hợp về
những mục tiêu căn bản -- Tự Do, Nhân Quyền Dân Quyền, Dân Chủ Pháp Trị,
v.v….— nên không cần bàn ở đây. Vấn đề lớn
còn phải bàn là: làm
sao thực hiện được những mục tiêu đó. Vấn
đề này còn phải bàn, và bàn một cách nghêm túc, vì , cho đến nay, trong
những giải pháp được đề nghị, chưa có giải pháp nào thu hút được một sự đồng
thuận rộng rãi cả.
Một điều chắc chắn là nếu chúng ta
không muốn chiến tranh, với chết choc, phí phạm tài nguyên, sinh lực, và nhứt là
thờì giờ quý báu, của xứ sở thì chỉ còn phương pháp không bạo lực. Không dùng súng đạn thì phải dùng lá phiếu,
nghĩa là giải pháp phải có đa số chấp nhận. Như đã trình bày ở trên, lịch sử,
qua ba giai đoạn -- trước 1883, bảo hộ Pháp, cọng sản – đã tạo cho người Việt một
tâm lý – một lối tư tưởng và xử sự -- đặc biệt làm cho Việt Nam bị trì trệ, không
lớn mạnh và phát triển được. Muốn tiến và mạnh phải điều chỉnh tình trạng tâm lý
này, nghĩa là làm một sự sửa đổi văn hoá triệt để .
Cốt lõi của lối tư tưởng và xủ sự nêu
trên là người ta lấy tốt-xấu , chính-tà, để phán xét và lựa chọn. Đó là một lối
phán xét và lựa chọn chủ quan, có tính cách
phán quyết, không cần kiểm chứng hay suy luận chặt chẽ, dựa trên tình cảm hay ý
kiến cá nhân, nên không thể đưa đến một
sự đồng thuận được. Nó là biểu chứng của một sự
tự ái, tự tôn, tư tín quá lớn, và cứ thấy muốn hạ giá người khác, tìm và nêu lên
những khía xấu thay vì khía cạnh tốt của
họ. Có thể nói là tính chủ quan và tự tôn quá lớn này là nết tật chính của người
Việt, và lý do chính của sự thất bại của những cố gắng gây đoàn kết để thành lập tổ chức này hay tổ chức nọ trong các
giới Việt Nam
hải ngoại trong 35 năm nay. Phần khác,
trên bình diện quốc gia, nết tật “Ta” đã
tạo ra một tâm lý quốc gia quá khích. Sự
suy tôn “Đảng Ta”, “Chúng Ta”, tạo ra một tinh thần tự đắc coi nhân nhượng là biểu
hiệu của yếu hèn. Điều này là một chướng
ngại lớn trong việc thực hiện sự Đồng Thuận cần thiết.
Một
khiếm khuyết khác, có liên hệ mật thiết với khiếm khuyết nói trên, là về mặt tư
tưởng, người Việt thiếu hai đức tính căn bản
cần thiết cho công cuộc phát triển/hiện đại hoá.
Trong Chính Đề Việt Nam Tùng Phong dùng danh từ
“Tây phương hoá” để nói rõ rằng Phát triển,
vấn đề chính của Việt Nam, chung quy là một vấn đề Tây phương hoá (Pháp ngữ: occidentalisation;
Anh ngữ: westernization). “Tây phương hoá” không có nghĩa là chỉ tiêu
thụ hàng hoá và sống theo lối Tây phương, du nhập hay thâu nhận khoa học kỹ thuật
của Tây phương, mà phải đi xa hơn nữa: đến mức sáng tạo, nắm được cái tinh túy
của văn minhTây phương. (Về chi tiết, xin xem Chính Đề Việt Nam,
ở phần Chú Giải).
Muốn đạt được mức tinh túy nói trên, phải tìm hiểu cái
bí quyết đó nằm ở đâu. Theo Tùng Phong, nó nằm trong hai điều:
1/ về lý trí, chính xác trong suy luận,
2/ trong cuộc sống hàng ngày, ngăn nắp
và minh bạch.
Người Việt thiếu hai đức tính trọng
yếu này vì các văn hoá Khổng Giáo, bảo hộ
Pháp, và Cọng sản đã triệt để
không rèn luyện cho người Việt có những đức
tính đó. Và sự khiếm khuyết này lại làm
cho nết tật nói trên trầm trọng hơn..
Một
vấn đề nữa cần được giải quyết ổn thoả để tạo được sự Đồng Thuận rộng rãi cần thiết cho Đoàn Kết
Dân Tộc là vấn đề Thăng Bẳng Xã Hội.
Vấn đề này cũng ít được các gới “Quốc
Gia” bàn đến vì họ sợ bị hiểu lầm là cũng chủ trương đấu tranh giai cấp như Cọng
sản, với những khẩu hiệu “Công Bằng Xã Hội”, “San Bằng Giai Cấp”. Nhưng Việt Nam mang đặc tính của một nước chậm tiến và mất
chủ quyền: xã hội Việt Nam
có sự phân biệt nặng về giàu-nghèo, ưu thế-yếu thế, và người thường dân không được
bảo vệ, săn sóc đúng mức. Tình trạng này đã
được Cọng sản khai thác tối đa để
lôi cuốn quần chúng với những khẩu hiệu
tuyên truyền nêu trên., và gây chia rẽ trong xã hội.
Vấn đề Thăng Bằng Xã Hội được Tùng Phong phân tách
rất rõ ràng ,chi tiết trong Chính Đề Việt
Nam.Trong công cuộc xây dựng môt xã hội mới
cần có “Thăng Bằng Động Tiến” để được
sự chấp nhận và yểm trợ của đại đa số nhân dân, điều kiện căn bản của ổn định xã
hội, Mà ổn định xã hội là điều kiện then chốt để thực hiện sự Tây Phương Hoá trong công cuốc Phát Triển, và sự Phát Triển này
là điều kiện căn bản cho sự xây dựng một Việt Nam giàu mạnh, đủ sức đương đầu với
ngoại xâm.
Thăng bằng ở đây là thăng bằng giữa
những nhu cầu của cá nhân và của cọng đồng,
và giữa những nhu cầu ngắn hạn và nhu cầu dài hạn của cọng đồng. Phần khác, vì
hoàn cảnh thay đổi thường xuyên, nên những nhu cầu của cá nhân và của cọng đồng
cũng thay đổi thường xuyên. Vì vậy thăng
bằng phải là một thứ thăng bằng “động”. Cuối cùng, phải bảo đảm cho xã hội được
tiến tới không ngừng. Cho nên thăng bằng phải là một loại thăng bằng “tiến”. Có
được thăng bằng và duy trì được thăng bằng này mới bảo đảm được sự Đồng thuận cần thiết cho Hoà Giải và Tụ Hội Dân
Tộc. (Về chi tiết, xin xem Chú Giải ở cuối bài)
4.
Hỏi và đáp
Trên đây đã đề cập đến những điều chỉnh
văn hoá cần thiết để bảo đảm cho sự tồn và tiến của Việt Nam. Nhưng đã nêu câu hỏi thì cũng
cần đưa ra giải đáp. Những giải đáp đó như sau.
Về tư tưởng và xử sự, thay vì tốt-xấu,
chính-tà, lấy thích hợp với hoàn cảnh
và hiện đại, hiệu nghiệm rõ ràng, có
lợi cho Dân Tộc, làm giá trị tiêu chuẩn.
Về sinh hoạt lý trí, lấy suy luận chính xác, phù hợp với lô-gích
và thực tại, làm giá trị tiêu chuẩn. Về đời sống hàng ngày, lấy ngăn nắp, minh bạch làm giá trị tiêu chuẩn. Về xã hội,
lấy thăng bằng động tiến làm giá trị
tiêu chuẩn.
Những điều trên đây là những ý kiến
cá nhân. Tuy rằng nó là kết quả của rất
nhiều năm học hỏi, suy nghiệm, nó vẫn chỉ
là quan điểm của một cá nhân. Nó được đưa ra, không phải như phán
quyết buộc người khác phải đương nhiên phải chấp nhận, mà như là gợi ý và cung cấp chất liệu cho nhiều người khác suy
ngẫm thêm, để đóng góp vào sự giúp Dân Tộc tồn tại và phát triển trong những điều
kiện tốt. Với hy vọng rằng sẽ có nhiều người cũng làm như vậy, nhất là trong thời
gian mà hoàn cảnh quốc nội và quốc tế chưa cho phép thay đổi tình trạng hiện tại của Việt Nam. Nhưng một lúc nào đó, tình hình quốc tế, và
nhứt là quốc nội, sẽ đổi thay, đặc biệt là
nếu đa số, hay hơn nữa, đại đa số nhân dân Việt Nam đòi hỏi những giải pháp thích
hợp hơn, buộc chính quyền, dù ngoan cố đến đâu, cũng phải nhợng bộ và chấp nhận
thay đổi. Nhưng lúc đó phải có ngay giải pháp thay thế rõ ràng, khả thi, và được
sự đồng thuận của quốc dân, thay vì bắt đầu vạch kế hoạch, và tới đâu hay đó.
Rất mong rằng có nhiều trí thức, lãnh
đạo chính trị, xã hội, giáo dục, lãnh đạo tinh thần, sẽ lập ra một ban, hay một
nhóm, nghiên cứu, ngồi lại và bàn luận với nhau về những vấn đề trên, và vạch
ra và công bố một chương trình sữa đổi văn hoá thích hợp, khả thi, được sự đồng
thuận của mọi thành viên, và có khả năng thu hút được sự chấp nhận của đại đa số
người Việt ngoài lãn trong nước, để giải
thoát Việt Nam ra khỏi bế tắc hiện tại.
------------------------------------------
CHÚ GIẢI
về
Chinh Đề Việt Nam
Tác phẩm này, 355 trang, bàn đặc biệt
về vấn đề thế nào phát triển và thoát khỏi
sự lệ thuộc Trung Quốc. Nó được xuất bản ỏ Sài Gòn năm 1964, được tái bản ở Hoa
Kỳ năm 1988, và tái bản lần thứ hai cũng ở Hoa Kỳ năm 2009. Trong tác phẩm tái
bản lần thứ nhất năm 1988 , tác giả mang
tên Tùng Phong, nhưng theo lời giải thích của
Nhà Xuất Bản Hùng Vương, LA, thật ra nó là một công trình tập thể của “một
nhóm chiến sĩ trong bộ phận nghiên cứu chính trị của Đệ Nhất Cọng Hoà,”, mà trưởng
nhóm tất nhiên là Ông Ngô Đình Nhu. “Lời trần tình” của ấn bản 2009 nói rõ: “Tập tài liệu mà các bạn có trong tay là kết
tụ của những kinh nghiệm và phân tích dưa trên kinh nghiệm lịch sử của cố vấn
Ngô Đình Nhu cùng một số phụ tá thân cận….”
Tác phẩm này được soạn thảo để làm tài liệu học tập dành
cho cán bộ cao cấp của ĐNCH, nên không bán ra ngoài. Muốn có tác phẩm này, xin
liên lạc với Ông Đỗ Như Điện, 405
Ranger Road, Fallbrook, CA. 92028-8482, E-Mail: donhudien@yahoo.com, ĐT: 858-337.7049
Tác phẩm Chính Đề Việt Nam được bàn đến chi tiết trong Đặc San 2009 của Hội Ái Hữu Người Việt Quốc
Gia Hãi Ngoại, với tít Chính Đề Việt Nam,
Một Viên Ngọc Quý. Muốn có đặc san này , xin liên lạc với Ngo Dinh Diem
Memorial, 9029, McFadden Avenue,
Westminster, CA
92683, Đ.T: 714-277.9888,
E-Mail: lephammai@msn.com
Tôn Thất Thiện
Viết cho Diễn Đàn Thế Kỷ (Westminster, CA)
Ottawa
21, tháng 8, 2010
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét